CHI CỤC CHĂN NUÔI THÚ Y BÌNH ĐỊNH

Bệnh viêm màng phổi lợn (Actinobacillus Pleuropneumonia)

CNTY Bình Định - 15/03/2021 2866 lượt xem

Bệnh viêm màng phổi lợn chủ yếu xảy ra ở lợn giai đoạn từ 8-16 tuần tuổi. Những biểu hiện lâm sàng chính bao gồm thở khó, tai xanh, chết đột ngột với bệnh tích xuất huyết ở mũi.

Giới thiệu bệnh

Vi khuẩn Actinobacillus Pleuropneumoniae (App) bao gồm ít nhất 12 serotypes khác nhau, một số serotypes không gây bệnh nhưng một số khác gây ra bệnh nặng. Các serotypes thay đổi ở những nước khác nhau. Types 1, 5, 9,11 và 12 thường có độc lực cao; types 3 và 6 thì nhẹ. Vi khuẩn App thường thấy trong amidan và đường hô hấp trên. Nó lây truyền ở khoảng cách gần thông qua các giọt bắn từ mũi, thường khoảng từ 5 đến 10 mét.

Mầm bệnh có thể ảnh hưởng đến lợn từ lúc cai sữa đến khi giết thịt, nhưng thường từ 8 đến 16 tuần tuổi. Thời gian ủ bệnh rất ngắn, từ 12 giờ đến 3 ngày. Độc tố gây tổn thương phổi nghiêm trọng. Tình trạng bệnh phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng, lợn nhiễm khuẩn càng nhiều thì bệnh càng nặng.

Lợn có thể bị nhiễm cùng lúc nhiều serotypes khác nhau. Hội chứng hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS) và viêm phổi do enzootic  pneumonia (EP) có thể làm bệnh trầm trọng hơn. Trong một đàn lợn con có thể có đến 30% bị ảnh hưởng. Khi vi khuẩn App tấn công vào phổi, độc tố tiết ra sẽ gây tổn thương nghiêm trọng đến các mô bào làm chúng biến từ màu xanh sang màu đen (hoại tử) kèm theo viêm màng phổi rộng. Trong khoang ngực chứa đầy dịch.

Mầm bệnh có thể tồn tại trong chất thải, huyết thanh đến 5 ngày. Vi khuẩn App chết nhanh trong điều kiện khô ráo, nhưng nó có thể tồn tại trong nước đến 20 ngày hoặc hơn. Vi khuẩn có thể tồn tại trong phổi và amidan trong thời gian dài, ít nhất là 4 tháng. Do đó, biện pháp an toàn sinh học đóng vai trò quan trọng là hạn chế tiếp xúc với động vật chết.

Bệnh viêm màng phổi lợn thường không phổ biến trên đối tượng lợn nái trừ khi chúng còn nhỏ hoặc đang mắc bệnh tai xanh hoặc cúm.

Những bệnh tương tự bao gồm EP, PRRS, cúm lợn (SI) và viêm phổi do vi khuẩn Salmonella choleraesuis.

Triệu chứng lâm sàng

Những bất thường ở lợn trưởng thành và lợn nhỏ, trừ lợn sơ sinh:

– Chết đột ngột – Dấu hiệu duy nhất là chảy máu mũi.

– Chết đột ngột – Không để lại triệu chứng và hơn 1% số ca tử vong như vậy. Cần phải khám kiểm tra xác định nguyên nhân.

– Tử vong thường được gây ra bởi sự kết hợp của suy tim và độc tố.

– Ho ngắn, có thể từ 1 đến 3 cơn ho cùng một lúc, khác với ho kéo dài của bệnh viêm phổi do EP.

– Khó thở.

– Thở bằng bụng nhiều hơn là thở bằng ngực.

– Thở bằng bụng thường là dấu hiệu lâm sàng để phân biệt giữa bệnh viêm phổi do App với EP.

– Tai xanh.

– Những triệu chứng ảnh hưởng nặng đến lợn là: Ủ rủ, bỏ ăn.

Chẩn đoán

– Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng.

– Nguồn gốc đàn vật nuôi (nhập đàn nuôi mới).

– Mổ khám kiểm tra bệnh tích, bao gồm kiểm tra tại lò mổ và nuôi cấy sinh vật ở phòng thí nghiệm.

– Những tổn thương ở phổi rất đặc trưng với những vùng lớn màu xanh – đỏ ở thùy trên kèm theo tràn dịch màng phổi. Những tổn thương này dễ nhầm lẫn với bệnh cúm lợn.

– Phương pháp Huyết thanh học có thể được sử dụng để xác định các serotypes khác nhau của vi khuẩn nhưng trong trường hợp không có bệnh, việc giải thích có thể khó khăn vì phản ứng chéo giữa các typ huyết thanh.

Nguyên nhân

– Mầm bệnh xâm nhập vào trại chăn nuôi do vận chuyển lợn bệnh vào hoặc do con người mang vào.

– Lợn bị bệnh có thể không có triệu chứng trong một thời gian dài, vì vậy đây là mối nguy cơ tiềm ẩn đến những lợn con.

– Bị lây nhiễm thông qua các dụng cụ chăn nuôi và người tham quan.

– Thiếu nước.

– Nhiệt độ và ẩm độ thấp.

– Bị stress/ vận chuyển.

– Thay đổi khẩu phần ăn.

– Sinh sản liên tục.

– Mật độ chăn nuôi cao.

Phòng bệnh

Quản lý

Khâu quản lý là biện pháp hiệu quả và tránh sự lạm dụng thuốc trong chăn nuôi.

Những biện pháp sau có thể được áp dụng:

– Kiểm tra nguồn gốc, lý lịch con giống; kiểm tra lâm sàng và kiểm tra phổi thường xuyên khi giết mổ.

– Tránh nhập lợn từ nhiều nguồn khác nhau.

– Không nhốt chung lợn khỏe với lợn bị bệnh.

– Cung cấp tất cả người vào trại bao gồm cả nhân viên thú y các dụng cụ: Mũ, đồ bảo hộ, đôi ủng và yêu cầu họ phải mặc.

– Lắp đặt vòi hoa sen và yêu cầu khách tham quan tắm, gội trước khi vào trại.

– Kiểm tra những khách tham quan để chắc chắn họ chưa đến thăm một đàn bị bệnh khác.

– Làm đường đi riêng khi xuất bán lợn để khi xe tải đến thu gom lợn, tài xế không phải vào trại và bạn cũng không phải lên xe.

– Tránh đưa lợn của bạn lên xe tải mà đã có lợn của những trại khác. Tất cả các phương tiện vận chuyển nên để trống và được khử trùng trước khi đến.

– Cách ly lợn giống chuyển đến từ 3- 6 tuần và theo dõi chúng hàng ngày.

– Các cơ sở chăn nuôi mua lợn từ 25-30 kg sau cai sữa từ các nơi mà biết rõ nguồn gốc giống để giảm nguy cơ lây nhiễm. Áp dụng nguyên tắc cùng vào cùng ra bằng cách xây dựng hoặc bố trí ô chuồng phù hợp sẽ rất hữu ích.

– Xây dựng hệ thống chuồng nuôi có nhiều khu riêng biệt, ở đó khi lợn con theo mẹ đạt 3 tuần tuổi thì cai sữa và ngay lập tức chuyển đến khu chuồng nuôi trước khi xuất bán, và thực hiện theo nguyên tắc cùng vào, cùng ra.

– Cân nhắc thời gian dùng thuốc phòng bệnh sau khi nhập trại.

– Đánh giá kết quả tiêm phòng vắc xin.

– Cân nhắc áp dụng kỹ thuật SEW hay SDC.

– Tiêm phòng vắc xin viêm phổi do EP và kiểm soát bệnh Tai xanh (PRRS).

– Cân nhắc lịch trình sử dụng vắc xin App cho lợn nái và/ hoặc lợn hậu bị mới nhập.

– Theo dõi thị trường để cập nhật những vắc xin mới.

– Thực hiện cùng vào cùng ra, ít nhất là theo từng ô chuồng, hơn là thực hiện liên tục trong suốt quá trình sản xuất.

– Tránh stress và chật chội.

– Tăng hàm lượng vitamin E lên 50-100 gam/ tấn thức ăn.

– Duy trì hệ thống thông gió tốt và luồng không khí ấm.

– Giữ đàn lợn ấm, khô ráo và không có gió lùa.

– Cung cấp nguồn nước dồi dào, dễ lấy. Thiếu nước tạm thời sẽ gây ra bệnh.

– Cân nhắc việc sử dụng thuốc trong thức ăn trước và trong suốt thời gian khởi phát bệnh.

– Giữ thuốc kháng sinh đã tiêm trong tủ lạnh để sẳn sàng điều trị kịp thời những con lợn bệnh.

Chiến lược dùng thuốc

Điều quan trọng là xác định thời điểm khởi phát của bệnh, để đánh giá các nhân tố môi trường bất lợi và để chủ động dùng thuốc ngay trước thời điểm này.

Thuốc trộn với thức ăn suốt thời kỳ nguy cơ bao gồm:

– Phenoxymethyl penicillin – 200–400g/ tấn

– Chlortetracycline – 500–800g/ tấn

– Trimethoprim/sulpha – 300–400g/ tấn

– Oxytetracycline – 500–800g/ tấn

– Tilmicosin – 200 to 400g/ tấn dùng trong 7-15 ngày

Thuốc cho uống trong thời kỳ rủi ro có thể là hiệu quả hơn trong ngăn ngừa bệnh này. Cho uống khoảng 4-7 ngày, có thể dùng các loại thuốc tương tự như thuốc trộn với thức ăn. Sử dụng thuốc trộn với thức ăn để phòng ngừa không phải lúc nào cũng có hiệu quả, điều này có lẻ là bởi vì bệnh khởi phát nhanh và lợn giảm ăn mạnh. Tuy nhiên, thuốc Tilmicosin trong thức ăn với liều 200 – 400 g/tấn cho thấy có hiệu quả khi sử dụng.

Loại trừ khỏi đàn

Các loại vắc xin có hiệu quả bán trên thị trường có ở hầu hết các quốc gia, nhưng chúng chỉ tạo miễn dịch chống lại các serotypes tương đồng (tức các serotypes có trong vắc xin) và không chống lại các serotypes khác. Nhiễm trùng tự nhiên có khuynh hướng miễn dịch chống lại tất cả các serotypes.

Trong những  khu vực  lợn bệnh có các đàn gần nhau và mức độ lây nhiễm cao, điều này chứng tỏ không thể loại trừ bệnh ra khỏi đàn. Trong những đàn cô lập hơn thì có thể duy trì an toàn dịch bệnh suốt thời gian dài (mặc dù thậm chí những biện pháp phòng ngừa được áp dụng nghiêm ngặt, nhưng sự bùng phát dịch có thể xảy ra và nguồn lây thường không biết rõ).

Kiểm soát môi trường

– Tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột.

– Tránh độ ẩm thấp và nhiệt độ thấp. Độ ẩm thấp và nhiệt độ thấp tạo ra những giọt nhỏ ở lại không trung – một môi trường nguy hại.

– Phun sương để làm giảm số lượng sinh vật trong không khí, sử dụng Virkon S 1%.

– Các hạt lớn trong không khí >10µm được giữ lại trong đường mũi.

– Những hạt có kích thước 0,5-3µm thâm nhập sâu vào mô phổi (như vi khuẩn App và Mycoplasma).

– Nhiệt độ thấp và độ ẩm cao tạo ra những giọt lớn nhanh chóng lắng đọng mà ít phơi nhiễm hơn.

– Nhiệt độ cao và độ ẩm thấp tạo ra những giọt nhỏ nhanh chóng lắng đọng mà ít phơi nhiễm hơn.

Điều trị

Trong một ổ dịch cấp tính, hãy kiểm tra nhóm có nguy cơ 3 lần mỗi ngày để xác định bệnh càng sớm càng tốt. Nếu cần có thể tiêm (điều trị) toàn bộ nhóm. Quyết định tiêm cần cân nhắc giữa hiệu quả và nguy cơ dịch bệnh bùng phát do căng thẳng khi xử lý lợn.

Những con lợn bị ảnh hưởng có biểu hiện bỏ ăn, bỏ uống hoặc sử dụng thuốc cho ăn thường không hiệu quả. Vi khuẩn App thường có phạm vi rộng nhạy cảm với kháng sinh. Ngày đầu tiên điều trị, lợn được tiêm 2 lần cách nhau 8 giờ. Những kháng sinh dưới đây thường có tác dụng:

– Amoxycillin.

– Ampicillin.

– Ceftiofur. Đây là loại thuốc tác dụng rất nhanh và đáp ứng rất tốt..

– Enrofloxacin.

– Tiamulin, OTC, LA. Thuốc này có thể được sử dụng trong các trường hợp mãn tính hơn. Lặp lại hai ngày một lần.

– Penicillin.

– Penicillin/streptomycin.

Lê Phú Bình, Nguyễn Văn Tâm

( Dịch từ website:  https://www.thepigsite.com/disease-guide/actinobacillus-pleuropneumonia-app )