CHI CỤC CHĂN NUÔI THÚ Y BÌNH ĐỊNH

Cảnh báo dịch bệnh vi rút đốm trắng trên tôm nuôi ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước

CNTY Bình Định - 08/06/2022 594 lượt xem

Hiện nay, do thời tiết nắng nóng vào ban ngày đến chiều và tối có những cơn mưa dông làm môi trường nước ao nuôi tôm thay đổi đột ngột dẫn đến tôm bị sốc, giảm sức đề kháng, mầm bệnh phát triển dẫn đến tôm bị bệnh chết, đặc biệt là bệnh virus đốm trắng. Bệnh virus đốm trắng bùng phát sẽ làm tôm chết hàng loạt và khả năng lây lan trên diện rộng làm thiệt hại rất lớn cho ngành nuôi tôm ở Việt Nam.

Ngày 27/5/2022 Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tuy Phước, UBND xã Phước Thuận kiểm tra và thu mẫu xét nghiệm phát hiện tôm nuôi ở một hộ tại thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước bị nhiễm bệnh virus đốm trắng, đến nay đã lây lan ra 04 ao và khả năng còn lây lan ra diện rộng. Vì vậy, bà con nuôi tôm trong vùng cần phòng bệnh tổng hợp và không nên thả giống mới vào ao khác trong vùng vì khả năng bị bệnh là rất cao.  

Để phòng chống bệnh này bà con cần nhận biết những biểu hiện sau và thực hiện các bước phòng chống để giảm thiệt hại đáng kể trong vụ nuôi và những vụ tiếp theo.

1. Những dấu hiệu nhận biết bệnh đốm trắng do virus

1.1. Dấu hiệu bệnh lý

Triệu chứng của bệnh là tôm có rất nhiều đốm trắng kích thước 0,5-2,0 mm xuất hiện bên trong vỏ nhất là ở giáp đầu ngực, đốt bụng thứ 5, thứ 6 và lan toàn thân. Bên cạnh đó, tôm bệnh hoạt động kém, ăn nhiều đột ngột sau đó bỏ ăn, bơi lờ đờ ở mặt nước hay dạt vào bờ ao. Đôi khi tôm có dấu hiệu đỏ thân. Bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn tôm nuôi từ 1-2 tháng thả nuôi, khi môi trường nuôi tôm xấu bệnh dễ xuất hiện. Khi các đốm trắng xuất hiện sau 3-10 ngày tôm chết có thể lên đến 99%, tỉ lệ chết cao và nhanh. Tôm bị bệnh thường ở 2 thể cấp tính và mãn tính.

Vỏ giáp đầu ngực của tôm bị đốm trắng

1.2. Tác nhân gây bệnh

Vi-rút gây hội chứng đốm trắng (White Spot Syndrome Virus – WSSV) là giống mới Whispovirus thuộc họ mới là Nimaviridae.Vi-rút dạng hình trứng, kích thước 120 x 275 nm, có một đuôi phụ ở một đầu, kích thước 70 x 300 nm. Nhân có cấu trúc DNA dạng vòng với 2 chuỗi nucleotide và không có thể ẩn (Occlusion body), bộ gen 292.967 bp. Vi-rút có ít nhất 5 lớp protein với trọng lượng phân tử từ 15-28 kilodalton.  Vỏ bao có có đường kính khoảng 120-150 nm và chiều dài 270-290 nm với 2 lớp protein VP28 và VP19, nucleocapsid có đường kính  65-70 nm, chiều dài 300-350 nm với 3 lớp VP26, VP24, VP15.

2. Biện pháp phòng bệnh

Để phòng bệnh virus đốm trắng xảy ra trong ao nuôi bà con nuôi tôm cần cải tạo ao và xử lý nguồn nước cấp kỹ bằng hóa chất (có thể dùng chlorine nồng độ 30ppm), nước cấp mới phải được xử lý tại ao lắng; Rào lưới xung quanh ao để ngăn chăn cua, còng, giáp xác vào ao; Con giống phải được kiểm địch trước khi thả nuôi; Trong quá trình nuôi phải giữ cho môi trường ao nuôi ổn định, sử dụng men vi sinh để giảm thiểu khí độc và ổn định môi trường ao nuôi; Sử dụng khoáng chất, vitamin tổng hợp, thuốc bổ, chất kích thích miễn dịch để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi.

Lưu ý trong mùa nắng nóng nên cho tôm ăn ít một chút để giảm ô nhiễm môi trường sẽ gây ra các bệnh cơ hội khác đặc biệt là bệnh đường ruột trên tôm.

3. Biện pháp chống dịch bệnh virus đốm trắng

– Người nuôi cần báo cho khuyến ngư hoặc thú y xã khi phát hiện các dấu hiệu bệnh lý và triệu chứng bệnh;

– Trong vòng một ngày khuyến ngư/ thú y xã phải đến ao thu thập thông tin và báo cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp/ Phòng nông nghiệp huyện;

– Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp/ Phòng nông nghiệp huyện phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lấy mẫu xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệp cho dương tính bệnh virus đốm trắng thì tổ chức dập dịch theo quy định: Niêm cống không cho xả nước ra ngoài; Tận thu tôm còn lại trong ao; xử lý dập dịch bằng hóa chất chlorine 30ppm, sau 7 ngày mới cho xả nước ra bên ngoài môi trường.

Lưu ý:

+ Khuấy cho Chlorine tan hết sau đó tạt đều khắp mặt ao lúc chiều tối, chạy quạt nước 30 phút cho clo tan đều ao sau đó tắt quạt, để 7 ngày mới xả nước ra môi trường.

+ Trong vùng xảy ra bệnh dịch do virus đốm trắng bà con không nên thả tôm mới vào nuôi ở những ao khác trong vùng vì bệnh này lây lan rất nhanh và khả năng tồn tại trong môi trường và xác vật chủ hơn 30 ngày.

                                                                              Huỳnh Văn Cánh

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định