‘Đất võ’ phát triển 3 vật nuôi chủ lực [Bài 4]: Nhiều chính sách ưu đãi

CNTY Bình Định - 11/04/2024 98 lượt xem

Để thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, Bình Định ban hành nhiều chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các vật nuôi chủ lực.

Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh đã liên kết chăn nuôi, tiêu thụ gà thả đồi trên địa bàn huyện Hoài Ân

Ưu tiên gà thả đồi

Với thế mạnh có nhiều diện tích vườn đồi và rừng trồng ở các huyện miền núi, trung du, những năm gần đây, nhiều địa phương ở Bình Định đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi gà thả đồi trong nông hộ. Để đẩy mạnh phong trào này trong thời gian tới đây, Bình Định đã ban hành chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022-2026.

Theo đó, hộ chăn nuôi, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trong nước tham gia liên kết sản xuất, giết mổ, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm gà thả đồi sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, được hỗ trợ 50% chi phí gà giống 1 ngày tuổi cho 2 lứa nuôi trong năm, hỗ trợ 2 năm liên tục, tối đa không quá 6.000đ/con.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, các cơ sở chăn nuôi được hỗ trợ phải đảm bảo quy mô chăn nuôi tối thiểu 3.000 con gà thịt trong 1 lứa nuôi. Có điều kiện xây dựng chuồng nuôi đảm bảo an toàn sinh học và đất vườn đồi để thả nuôi gà với diện tích tối thiểu 1.500m2.

Vị trí xây dựng chuồng trại đảm bảo khoảng cách theo quy định, chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, đơn vị này đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định phổ biến, hướng dẫn các nội dung thực hiện chính sách cho Phòng NN-PTNT của 5 huyện tham gia hưởng lợi từ chính sách gồm: Hoài Ân, Tây Sơn, An Lão, Vân Canh và Vĩnh Thạnh cùng các doanh nghiệp tham gia liên kết nuôi gà thả đồi như Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh, Công ty Gà sạch Hai Vương, Công ty Cổ phần Hồng Hà. Đồng thời, tổ chức liên kết các doanh nghiệp với hộ chăn nuôi đủ điều kiện tham gia chăn nuôi gà thả đồi, hưởng lợi từ chính sách.

“Đến nay, Công ty Cổ phần Hồng Hà đã triển khai liên kết chăn nuôi gà thả đồi trên địa bàn huyện Tây Sơn; Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh đã liên kết chăn nuôi, tiêu thụ gà thả đồi trên địa bàn huyện Hoài Ân.

Các doanh nghiệp khác đang tiếp tục phối hợp với Phòng NN-PTNT các huyện còn lại tiến hành khảo sát các hộ đăng ký, thẩm định điều kiện tham gia phát triển chăn nuôi gà thả đồi trên địa bàn để tiếp tục xây dựng mối liên kết”, ông Trần Văn Phúc cho hay.

Bình Định ban hành chính sách hỗ trợ công tác thụ tinh bò để có con giống chất lượng

Hỗ trợ thụ tinh nhân tạo bò

Để khuyến khích chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ tại Bình Định giai đoạn 2021-2025, tỉnh này đã ban hành Quyết định số 86/2020/QĐ-UBND ngày 18/12/2020 về quy định kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ công tác thụ tinh bò để có bò giống chất lượng cao.

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, Bình Định sẽ có tổng số bò thụ tinh nhân tạo được hỗ trợ là 495.000 con. Trong đó, nhóm bò Zêbu nội 161.800 con, nhóm bò chất lượng cao 333.200 con.

Số bò nói trên sẽ được phối các loại tinh chất lượng cao, gồm: Tinh đông lạnh bò nhóm Zêbu được sản xuất trong nước, tinh đông lạnh bò thịt chất lượng cao nhập ngoại. Số tinh được hỗ trợ là 2 liều/bò thịt/năm, dụng cụ phối giống như găng tay, dẫn tinh quản 2 bộ/bò thịt/năm, nitơ lỏng 1 lít/bò phối giống có chửa.

UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ kinh phí để tổ chức cuộc hội thi bò lai với mức kinh phí 230 triệu đồng

“Công tác thụ tinh nhân tạo bò được hỗ trợ 50% kinh phí vật tư phối giống nhân tạo như tinh đông lạnh, găng tay, dẫn tinh quản; hỗ trợ 100% Nitơ lỏng để phối giống nhân tạo cho bò cái sinh sản”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho biết.

Ngoài ra, công tác đào tạo, tập huấn về kỹ thuật phối giống nhân tạo cho bò cũng được hỗ trợ 2 lớp tập huấn với quy mô 40 người. Mỗi địa phương có chăn nuôi bò sẽ được đào tạo từ có từ 1-2 dẫn tinh viên phối giống bò. Đối với đào tạo kỹ thuật phối giống nhân tạo bò sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo (1 lần) cho hộ chăn nuôi về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bò với mức hỗ trợ không quá 6 triệu đồng/người.

“Quy mô, loại bình, tiêu chuẩn chất lượng bình chứa Nitơ lỏng được cấp phát 25 cái loại bình chứa dung tích 30-47 lít gồm bình nhập ngoại có nguồn gốc từ châu Âu, Mỹ với mức hỗ trợ 100% kinh phí mua bình để trang bị cho các đơn vị được giao quản lý, cấp phát vật tư thụ tinh nhân tạo bò các cấp tỉnh, huyện. Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định còn hỗ trợ kinh phí để tổ chức 1 cuộc hội thi bò lai với mức kinh phí  230 triệu đồng”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Theo Báo Nông nghiệp VN

VIDEO

HÌNH ẢNH

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang online: 0
  • Truy cập hôm nay: 188
  • Truy cập hôm qua: 413
  • Tổng truy cập: 89892