CHI CỤC CHĂN NUÔI THÚ Y BÌNH ĐỊNH

Chi đoàn Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định với công tác tuyên truyền phòng chống bệnh Dại cho chó, mèo tại thành phố Quy Nhơn

CNTY Bình Định - 07/04/2021 1119 lượt xem

Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất của nhân loại, do virus dại gây ra và không có thuốc chữa. 100% bệnh nhân phát bệnh đều tử vong. Trong năm 2020, đã có hơn 60 ca tử vong vì bệnh dại tại 29 địa phương trên cả nước.

Cán bộ Thú y đang tiêm phòng dại cho chó tại Bệnh xá Chi cục

Virus dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết liếm vào vết thương của người hoặc một số động vật khác của động vật mắc bệnh dại. Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm cho người cũng như sử dụng vắc xin dại cho chó, mèo.

Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, bệnh Dại có nguy cơ bùng phát cao trên đàn chó, mèo trong tỉnh nói chung và ở thành phố Quy nhơn nói riêng. Đồng thời, phát huy tinh thần chủ động phòng chống dịch bệnh Dại, hàng năm vào tháng 3 đến tháng 5, Đoàn viên Chi đoàn Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp cùng các Chi đoàn của các phường nội thành thành phố Quy Nhơn như phường Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo,…. tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo tại UBND các phường hoặc Bệnh xá của Chi cục.

Ngoài ra, Đoàn viên Chi đoàn Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng tích cực tuyên truyền các phương pháp phòng chống bệnh Dại cho đàn chó, mèo trên các trang mạng xã hội Facebook hoặc Zalo, cụ thể như sau:

– Tiêm phòng 100% cho chó mèo từ 12 tuần tuổi và nhắc lại định kỳ hàng năm;

– Nuôi chó mèo phải xích nhốt, ra đường phải mang rọ mõm;

– Có sổ theo dõi tình trạng vật nuôi và cập nhật thông tin thường xuyên;

– Trong trường hợp chó, mèo cắn người thì chủ vật nuôi có trách nhiệm nuôi nhốt và theo dõi vật nuôi theo sự hướng dẫn của nhân viên thú y trong vòng 10 ngày, cấm buôn bán hay giết thịt, thả rông vật nuôi trong thời gian này.

– Khi bị chó, mèo cắn cần:

+ Rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh liên tục trong 15 phút bằng xà phòng. Sát khuẩn vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone iodine (nếu có).

+ Hạn chế chà sát làm vết thương trầm trọng hơn. Sử dụng vải gạc y tế băng vết thương và cầm máu (lưu ý không băng quá chặt khiến máu khó lưu thông).

+ Bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để tiêm  vắc xin phòng dại ngay sau bị chó, mèo cắn. Lịch tiêm theo lộ trình và loại vắc xin phòng dại sẽ được các bác sĩ tư vấn phù hợp./.

Thùy Vân

(Chi cục CNTY Bình Định)

CÁC TIN KHÁC