Chăn nuôi với kinh tế tuần hoàn trong kỷ nguyên số và tiềm năng ứng dụng tại Việt Nam
Trong bối cảnh gia tăng nhận thức về môi trường và đòi hỏi phát triển bền vững, việc ứng dụng các nguyên lý của kinh tế tuần hoàn vào trong lĩnh vực chăn nuôi (Chăn nuôi tuần hoàn – CNTH) đang nổi lên như một cách tiếp cận mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Với việc tập trung vào giảm lượng chất thải hình thành, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và khuyến khích bảo vệ sức khoẻ hệ sinh thái (Ghisellini & cs., 2016; Jurgilevich & cs., 2016), CNTH cho thấy triển vọng để giải quyết những thách thức đa chiều mà ngành chăn nuôi Việt Nam đang đối mặt. Là một quốc gia có nền tảng nông nghiệp và một nền kinh tế phát triển nhanh, Việt Nam có tiềm năng thu lợi từ việc ứng dụng hệ thống CNTH. Dựa trên việc kết hợp các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn với nhu cầu sản xuất chăn nuôi hiện đại, Việt Nam có thể tạo ra một con đường, hướng tới một nền nông nghiệp đảm bảo sự bền vững trong tương lai, đạt năng suất cao và có khả năng chống chịu tốt hơn đối với những biến động của thị trường (Makate & cs., 2019; Bowles & cs., 2020; Ginbo & cs., 2021; Sardar & cs., 2021)
VAI TRÒ VÀ TIỀM NĂNG CỦA CHĂN NUÔI TUẦN HOÀN
Chăn nuôi tuần hoàn đại diện cho sự chuyển hướng từ mô hình chăn nuôi tuyến tính thường dẫn tới suy kiệt nguồn tài nguyên, ô nhiễm và không bền vững (Von Braun, 2018). Thay vì coi chất thải trong chăn nuôi là một vấn đề, CNTH thay đổi góc nhìn coi đây là một nguồn tài nguyên giá trị. Chất thải hữu cơ dược hình thành trong quá trình chăn nuôi, như phân và chất độn chuồng, có thể được tái sử dụng thông qua quá trình ủ phân compost hoặc phân huỷ yếm khí (Kafle & Chen, 2016) để tạo ra phân bón giàu dinh dưỡng và khí sinh học (biogas) cung cấp năng lượng. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề chất thải mà còn khép kín vòng tuần hoàn dinh dưỡng, góp phần giúp đất màu mỡ hơn và giảm sự phụ thuộc vào phân bón hoá học (Rodias & cs., 2020). Đặc biệt ở một quốc gia như Việt Nam, nơi sản lượng nông nghiệp liên quan chặt chẽ tới độ màu mỡ của đất, vòng tuần hoàn dinh dưỡng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng sản xuất nông nghiệp bền lâu.
Hơn nữa, việc tích hợp CNTH với sản xuất cây trồng giúp khuếch đại hiệu quả của mô hình này. Sản phẩm dư thừa và phụ phẩm trong trồng trọt có thể được coi là nguồn thức ăn cho gia súc, giúp giảm sự phụ thuộc vào thức ăn nhập khẩu và cải thiện hiệu quả chung của toàn hệ thống nông nghiệp (Oltjen & Beckett, 1996). Sự kết hợp này thúc đẩy mối liên hệ cộng sinh giữa gia súc và cây trồng, tạo một vòng tuần hoàn trao đổi dinh dưỡng giúp ích cho cả vật nuôi và cây



Theo https://channuoivietnam.com