CHI CỤC CHĂN NUÔI THÚ Y BÌNH ĐỊNH

Một số biện pháp để hạn chế việc sử dụng chất kháng khuẩn và kháng sinh trong chăn nuôi

CNTY Bình Định - 16/05/2022 683 lượt xem

Trong chăn nuôi, nhằm hạn chế sử dụng các chất kháng khuẩn và kháng sinh, người chăn nuôi có thể áp dụng các biện pháp dưới đây:

  1. 1. Thực hiện an toàn sinh học nghiêm ngặt

– An toàn sinh học nghiêm ngặt là biện pháp hàng đầu để ngăn chặn mầm bệnh và giảm nhu cầu sử dụng chất kháng khuẩn và kháng sinh.

– An toàn sinh học dựa trên nguyên tắc: Cách ly – Làm sạch – Khử trùng

+ Ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào trang trại và ngăn chặn sự phát tán mầm bệnh giữa các vật nuôi, các đàn trong trang trại;

+ Loại bỏ nguy cơ lây lan mầm bệnh thông qua các dụng cụ chăn nuôi bằng cách thực hiện việc tiêu độc triệt để đối với tất cả các dụng cụ có khả năng lưu trữ mầm bệnh.

– An toàn sinh học tập trung vào: Thiết kế chuồng trại, kiểm soát nghiêm ngặt lối ra vào khu nuôi, đảm bảo thức ăn và con giống từ cơ sở được xác nhận, duy trì môi trường nuôi vệ sinh và an toàn để hạn chế khả năng bệnh có thể xâm nhập vào khu nuôi. Khi động vật nuôi không có bệnh, người chăn nuôi sẽ không phải dùng tới thuốc bao gồm cả thuốc kháng sinh.

2. Sử dụng vắc xin hợp lý

Vắc xin là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể.  Tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi được coi là một trong các biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Chương trình tiêm phòng cần được thực hiện dựa trên loài động vật nuôi và nguy cơ dịch bệnh tại địa phương.

3. Tăng cường sức khỏe cho vật nuôi bằng cách sử dụng hợp lý các thức ăn bổ sung

– Lợi khuẩn:  Là “các vi sinh vật sống khi được đưa vào một lượng đủ có thể đem lại lợi ích sức khỏe cho vật chủ” (Fao/WHO, 2001).

Bổ sung lợi khuẩn làm tăng sự phát triển của các vi sinh vật có lợi trong hệ thống tiêu hóa, làm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, làm giảm số lượng của chúng và do đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, các vi sinh vật có lợi tiết ra các enzyme tiêu hóa dinh dưỡng còn lại trong thực phẩm, do đó nâng cao hiệu quả sử dụng thực phẩm của động vật và tăng lợi nhuận. Các loại lợi khuẩn (probiotics): Lactobacillus, lactococcus, propionibacterium, streptococcus thermophilus, bifidobacterium, bacillus.

– A xít hữu cơ:

Việc bổ sung axít hữu cơ trong nước uống hoặc thức ăn chăn nuôi làm giảm độ pH trong ruột, khiến môi trường không phù hợp với vi khuẩn có hại và do đó làm tăng sự phát triển của những loài có lợi khác. Axít hữu cơ tăng cường sự phát triển của động vật, ngăn ngừa bệnh tật và do đó làm giảm sự cần thiết của việc sử dụng kháng sinh. Các axít hữu cơ phổ biến được sử dụng như propionic, formic, lactic và butyric.

4. Sử dụng thảo dược

Một số chế phẩm từ các loại cây thuốc khi bổ sung vào thức ăn chăn nuôi sẽ giúp vật nuôi tăng sức đề kháng tự nhiên. Bên cạnh đó nhiều loại thảo dược còn tạo ra được hiệu quả kích thích tiêu hóa (như tỏi và gừng) và giúp gia tăng chất lượng sản phẩm (tinh dầu hồi và quế tạo mùi thơm).

Một số cây thuốc nam có chứa thành phần phytoncid có khả năng ức chế tốt sự phát triển của vi khuẩn. Do vậy việc sử dụng các cây thuốc này có thể giúp hạn chế kháng sinh cho cả hai mục đích là phòng bệnh và điều trị nhiễm khuẩn.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định