CHI CỤC CHĂN NUÔI THÚ Y BÌNH ĐỊNH

Hướng dẫn kỹ thuật đóng gói và vận chuyển mẫu bệnh phẩm

CNTY Bình Định - 03/06/2022 4560 lượt xem

Để chẩn đoán xét nghiệm bệnh một cách chính xác nhất thì ngoài việc chọn đúng con vật bị bệnh, kỹ thuật lấy mẫu bệnh phẩm, thì công tác bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm đến phòng xét nghiệm đúng kỹ thuật cũng góp phần đáng kể trong công tác chẩn đoán, xét nghiệm và phòng chống dịch bệnh động vật hiệu quả. Tôi xin đưa ra một số thông tin hướng dẫn trong bảo quản và vận chuyển mẫu cụ thể để cán bộ kỹ thuật huyện, xã lưu ý trong quá trình gửi mẫu bệnh phẩm về Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định hoặc các trung tâm chẩn đoán xét nghiệm khác để đạt kết quả tốt nhất.

1. Đóng gói chất lây nhiễm

Khái nhiệm: Chất lây nhiễm (CLN) là chất có chứa hoặc có khả năng chứa tác nhân vi sinh vật (bao gồm vi rút, vi khuẩn, vi khuẩn nội bào, ký sinh trùng, nấm) và tác nhân khác gây bệnh truyền nhiễm cho người (43/2011/TT-BYT), cho động vật bao gồm CLN loại A và CLN loại B. Các chất lây nhiễm này được đóng gói na lớp.

1.1. Các Yêu Cầu Khi Đóng Gói Chất Lây Nhiễm Loại A

Khái niệm chất lây nhiễm loại A: Là chất khi phơi nhiễm trong quá trình vận chuyển có thể gây ra những bệnh lý đe dọa đến tính mạng, gây tử vong hoặc dị tật vĩnh viễn cho người hoặc động vật. Viết tắt: UN 2814 (đối với các bệnh trên người và lây sang người); UN 2900 (các bệnh ở động vật)

Các yêu cầu khi đóng gói chất lây nhiễm loại A: Lớp thứ nhất: không rò rỉ, không thấm nước, chịu được nhiệt độ -40°C đến 55°C; Lớp thứ hai: bền, không rò rỉ, không thấm nước, chịu được nhiệt độ -40°C đến 55°C; Lớp thứ nhất hoặc lớp thứ hai chịu được áp lực 95kPa; Lớp 3 (phần bọc ngoài): cứng, chịu lực, có lớp đệm chống va đập, kích thước tổi thiểu mỗi chiều là 10 cm x 10cm x 12 cm (hộp carton).

Đối với mẫu bệnh phẩm dạng lỏng: phải có vật liệu thấm hút giữa lớp thứ nhất và lớp thứ hai. Có biện pháp ngăn ngừa sự rò rỉ mẫu như: quấn parafin quanh nắp, hoặc có nắp chuyên dụng. Nếu vận chuyển từ 2 mẫu trở lên phải được phân tách nhau để tránh va đập.

Hộp vận chuyển chất lây nhiễm loại A: Được thử nghiệm chịu áp lực 95kPa đối với lớp thứ nhất hoặc hai; Đã được kiểm tra sự rơi từ độ cao 9 m; Đã được thử nghiệm kháng thủng ở mức 7 kg; Đã được thử nghiệm với lực nén.

Người vận chuyển phải được tập huấn.

1.2. Các yêu cầu đóng gói chất lây nhiễm loại B

 Khái nhiệm chất lây nhiễm loại B: Là chất lây nhiễm không thuộc danh mục chất lây nhiễm loại A; Viết tắt: UN 3373 Các yêu cầu khi đóng gói chất lây nhiệm Loại B:Lớp thứ nhất không rò rỉ, không thấm nước; Lớp thứ hai không rò rỉ, không thấm nước; Lớp thứ nhất hoặc lớp thứ hai áp suất phải chịu được áp lực 95kPa; Lớp thứ hai hoặc lớp ngoài cùng phải cứng, kích thước mỗi chiều tối thiểu 10 cm x10 cm x12 cm; Đã được kiểm tra tra sự rơi từ độ cao 1,2m.

1.3. Các yêu cầu khi đóng gói chất Miễn trừ: Lớp thứ nhất không rò rỉ; Lớp thứ hai không rò rỉ; Lớp ngoài cùng phải đủ chắc chắn.

2. Đóng gói sử dụng chất làm lạnh

2.1. Các lựa chọn chất làm lạnh và trọng lượng sử dụng

– Cần giữ đông lạnh :sử dụng đá khô: Thùng xốp có kính thước : R40 cm x D60 cm x C35 cm; Giữ khoảng 24 giờ cần 3 kg đá khô; Giữ khoảng 48 giờ cần 5 kg đá khô.

– Hàng cần giữ mát :sử dụng đá gel: Thùng xốp có kính thước : R40 cm x D60 cm x C35 cm; Giữ khoảng 24 giờ cần 5 kg đá gel; Giữ khoảng 48 giờ cần 10 kg đá gel

2.2. Đóng gói có sử dụng chất làm lạnh

3. Vận chuyển

3.1. Vận chuyển với đá khô

Đặc tính của Đá khô: Đá khô  là một dạng rắn của cacbon điôxít (CO2); Đá khô dưới áp suất thường không nóng chảy thành cacbon điôxít lỏng mà bay hơi trực tiếp thành dạng khí ở -78,5 °C (-109,3 °F).

Lưu ý khi sử dụng đá khô: Cực lạnh không nên cho tiếp xúc trực tiếp với da; Nó bay hơi thành khí cacbonic, vì thế nó không thể lưu trữ trong các thùng kín do áp suất tạo ra sẽ nhanh chóng phá vỡ thùng do bị nổ; Đá khô gây kích ứng da và mắt.

Biện pháp an toàn khi sử dụng đá khô: Tránh tiếp xúc với da, miệng, mắt và quần áo; Phải có găng tay cách nhiệt thích hợp; Và thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ có chuyên môn.

3.2. Những lưu ý khi vận chuyển với đá khô

– Mẫu cần giữ ở nhiệt độ -70o C có thể được vận chuyển bằng cách sử dụng đá khô

– Đá khô là một loại hàng hóa nguy hiểm; Người chuyển mẫu sử dụng đá khô phải được đào tạo; Khi vận chuyển với đá khô, yêu cầu dán nhãn cảnh báo nguy hiểm hỗn hợp; Người chuyển mẫu phải ký hiệu và dán nhãn phù hợp trên lớp ngoài cùng khi sử dụng đá khô; Khi sử dụng, phải ghi chép sự có mặt của đá khô trong tất cả các giấy tờ, hồ sơ phù hợp (VD: vận đơn hàng không …)

– Nhiệt độ rất thấp (-79°C) của đá khô có thể gây ra bỏng da nếu tiếp xúc trực tiếp, phải dùng găng tay cách nhiệt.

– Hộp/gói hàng chứa đá khô phải được thiết kế và đóng gói sao cho khí CO2 có thể thoát ra ngoài, tránh việc tích tụ khí gây tăng áp suất và có thể dẫn tới nổ hộp/gói hàng.

– Lớp thứ nhất và lớp thứ 2 trong các gói hàng chứa đá khô phải có khả năng duy trì sự toàn vẹn ở nhiệt độ thấp.

– Các mẫu được vận chuyển với đá khô sẽ cần được đóng gói sao cho không bị nghiêng đổ sau khi đá tan.

– Đóng gói dạng kiện hàng: Kiện hàng chứa một hoặc nhiều gói hàng được gửi bởi một người đến cùng một địa chỉ nhận nhằm mục đích tạo thuận lợi cho việc xử lý, lưu trữ và làm lạnh trong suốt quá trình vận chuyển.

Để thao tác đúng cách các anh chị có thể xem video hướng dẫn quy trình đóng gói mẫu bệnh phẩm dưới đây:

Huỳnh Văn Cánh

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định